“Zhang và Hagiwara đệ đơn kiện Sở Di Trú Mỹ (USCIS) và đã thắng sau khi hồ sơ EB-5 bị từ chối, dẫn đến việc USCIS phải chỉnh lại quy định của mình liên quan đến các khoản vay cho vốn đầu tư EB-5.”
Sở Di Trú Mỹ (USCIS) duy trì các quy định nghiêm ngặt đối với các quỹ đầu tư EB-5. Một trong các quy định đó là việc các nhà đầu tư cần chứng minh rằng khoản vay của họ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân. Vụ kiện giữa Zhang vs. USCIS đang định hình lại các quy định của USCIS đối với các khoản đầu tư EB-5. Những thay đổi này có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư EB-5, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư tối thiểu EB-5.
Câu chuyện này bắt đầu từ năm 2013, khi Zhang và Hagiwara mỗi người đầu tư $500.000 USD vào một doanh nghiệp thương mại mới (NCE). Các khoản tiền này được vay từ hoạt động kinh doanh của mỗi nhà đầu tư, và họ cũng đã lên kế hoạch về việc đáp ứng đủ các yêu cầu để tham gia vào chương trình EB-5.
Tuy nhiên vào năm 2015, USCIS đã thông qua một chính sách mới tập trung vào những quy định liên quan đến “tiền mặt” và “nợ” trong việc phê duyệt quỹ đầu tư EB-5. USCIS đã quyết rằng tiền mặt thu được từ một khoản vay (thu được thông qua một bên thứ ba) thực sự là nợ. Khoản nợ này sau đó sẽ yêu cầu thế chấp thông qua tài sản thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Nói cách khác, vì khoản đầu tư của Zhang và Hagiwara là từ các khoản vay tín chấp (uncollaterized loan)* nên hồ sơ I-526 của họ đã bị từ chối. Chính sách này của USCIS không được các nhà đầu tư EB-5 ưa chuộng. Zhang và Hagiwara đã quyết định đệ đơn kiện USCIS.
*Uncollateralized loan hoặc unsecured loan là gì? – Trong tiếng Việt được gọi là vay tín chấp, là loại vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba, việc cho vay chỉ dựa trên uy tín của bản thân người vay.
Zhang nộp đơn kiện lên Toà án Cấp quận (district court) vào tháng 11/2018 và đã thắng USCIS. Nhưng sau đó USCIS đã kháng cáo và vụ việc được chuyển tới Toà án Phúc thẩm Mỹ cho District of Columbia.
Vào năm 2020, một lần nữa Zhang đã thắng USCIS, và Toà Phúc Thẩm đã xác định rằng USCIS áp đặt sai các quy định về thế chấp đối với các khoản đầu tư cho vay. Cách USCIS định nghĩa cho các tiêu chuẩn về “tiền mặt” và “nợ” đã vi phạm các định nghĩa rõ ràng của chương trình EB-5. Toà án giải thích rằng “tiền mặt có thể thay thế được và nó có thể được chuyển từ người mua sang người bán, mà không áp đặt cho người bán bất kỳ nghĩa vụ nào của người mua đối với chủ nợ của mình.” Về cơ bản có thể xác định rằng tiền được vay là “tiền mặt” và đủ điều kiện để được coi là vốn. Do đó, các khoản vay tín chấp được chấp nhận là nguồn vốn hợp pháp cho các khoản đầu tư EB-5. Đây là một chiến thắng không chỉ với Zhang và Hagiwara, mà còn với các nhà đầu tư EB-5.
Phán quyết này có giá trị ràng buộc với USCIS và thiết lập một tiền lệ quan trọng cho các nhà đầu tư EB-5. Hồ sơ I-526 của Zhang đã được USCIS chấp thuận vào 14/4/2021. Mặc dù các khoản vay tín chấp vẫn không rõ ràng trong chương trình EB-5, nhưng vụ kiện này cho thấy rằng những khoản vay này có thể đủ điều kiện để sử dụng trong quá trình đầu tư EB-5.
Các nhà đầu tư đang cân nhắc sử dụng khoản vay để tài trợ vốn EB-5 nên lưu ý rằng phần lớn các quy định của USCIS vẫn được áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư. Để đảm bảo rằng vốn đầu tư của họ đáp ứng tất cả các quy định về nguồn vốn, các nhà đầu tư nên làm việc với luật sư trước khi đầu tư vào NCE.